Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Bánh nướng nhân mè đen và nhân khoai môn


Bánh trung thu là 1 loại bánh vừa dễ làm lại vừa khó. nếu để làm ra 1 chiếc bánh và chỉ để ăn ngay thì quá đơn giản. thế nhưng, để có 1 chiếc bánh chuẩn, với lớp vỏ thơm, mềm mại mà lại không ướt dính, xốp mà không khô, màu vàng bóng đậm, quyện cùng nhân nhuyễn mềm mịn, ngọt vừa hay nhân thập cẩm đậm đà thơm ngon thì không hề đơn giản chút nào.
Đây cũng là món bánh đòi hỏi sự kiên trì và sức khỏe của người làm bánh, nhất là những người không qua trường lớp, không từng được ai chỉ dạy và chẳng có máy móc gì hỗ trợ ngoài 1 chiếc lò nướng TQ chập chờn về nhiệt. nếu như nhân thập cẩm đòi hỏi sự tinh tế trong kết hợp các nguyên liệu, mất công sơ chế, cắt nhỏ, đồng thời yêu cầu trộn nhân không quá khô cũng không quá ướt dính, độ ngọt vừa phải thì nhân nhuyễn lại có cái khó rất riêng của nó. làm sao để nhân đạt độ mềm mại vừa phải, không quá mềm (bánh nướng dễ mất phom, nhanh hỏng, nhanh làm vỏ bánh bị ướt dính), không quá khô (khô, bở không ngon). có thể nói, công đoạn chế biến nhân nhuyễn dạng thủ công cực kỳ mất thời gian và công sức đối với các dụng cụ và bếp gia đình. 1 mẻ nhân nhuyễn thành phẩm khoảng 600-1000g mất tối thiểu 1h đồng hồ sên liên tục trên bếp, chưa kể thời gian sơ chế nguyên liệu.
Trong bài này mình sẽ tổng hợp kinh nghiệm của mình sau rất nhiều lần mắc lỗi với nhân nhuyễn và tập trung vào 2 loại nhân nhuyễn là: nhân khoai môn và mè đen. đây là 2 loại nhân nhuyễn khá là khó.
- Về nhân khoai môn: khoai môn có 2 loại là khoai môn cao (màu tím) và khoai môn sáp (màu vàng). để làm nhân bánh thì chỉ sử dụng khoai môn cao thôi. đặc tính của khoai môn là khi hấp rất bở, bở tơi, nhưng có nước và gia nhiệt thì lại bị chảy và dẻo dính, cực kỳ khó sên. do đó, riêng nhân khoai môn sẽ dùng khá nhiều bột bánh dẻo so với các loại nhân nhuyễn khác. khoai môn lúc hấp rất thơm nhưng sau khi sên xong lại không còn mùi nhiều, do vậy có thể các bạn nên cho thêm hương khoai môn để dậy mùi hơn. về màu sắc, khoai môn sau sên sẽ có màu xỉn xỉn, kiểu tím xám nhạt, do đó muốn đẹp thì pha thêm nước lá cẩm hoặc màu thực phẩm (tím và hồng sen). sơ chế khoai môn có 2 cách, 1 là hấp khoai sau đó cà qua rây để loại bỏ những phần sượng và 2 là cho vào xay cùng nước rồi lọc qua rây. cách 1 cực hơn nhưng lại giảm thời gian sên vì hỗn hợp khoai không có nhiều nước. cách 2 nhàn hơn nhưng lại cực kỳ mất thời gian khi sên. để giảm độ dẻo dính của khoai môn có thể trộn thêm vào 1 phần thịt đậu (thường dùng thịt đậu trắng).
- Về nhân mè đen: đặc tính mè đen của VN thường khá lép (nhân mè nhỏ, vỏ nhiều), công sơ chế mè đen rất tốn và máy xay gia đình không xay nhuyễn được mè, nhân thành phẩm sẽ không mịn màng như các loại nhân nhuyễn khác. nhân mè đen cực kỳ dễ tách dầu nhưng lại nhanh khô sau khi đóng lên bánh. nhân mè đen thường được sên trên nền nhân đậu (đậu xanh, đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen) hoặc nhân sen nhuyễn. trong đó mình đã làm trên nền đậu đỏ, đậu xanh và đậu trắng thì mình nhận thấy nền đậu trắng tươi nhân mè sẽ mềm mại và ngon hơn cả. có thể dùng thêm 1 ít paste mè đen nếu có.













Công thức:
Nhân mè đen: (được gần 400g nhân)
- 210g thịt đậu trắng
- 90g mè đen đã sơ chế (tỷ lệ là 2 đậu - 1 mè hoặc 7 đậu - 3 mè)
- 30g dầu ăn
- 70g đường
- 1 thìa canh mạch nha
- 15g bột bánh in hoặc bột bánh dẻo

Nhân khoai môn: (được khoảng 700g nhân)
- 400g thịt khoai môn
- 200g thịt đậu trắng (có thể chỉ dùng khoai môn không củng được)
- 140g đường
- 2 thìa canh mạch nha
- 75g dầu ăn
- 50g bột bánh in hoặc bột bánh dẻo
- 1 ít hương khoai môn (nếu có)
- 2 giọt màu tím + 1 giọt màu hồng sen (mình dùng màu tp Armericolor)

Cách làm:
- sơ chế đậu trắng: đậu tươi mua về, rửa sạch, bỏ hạt non, sâu, đổ nước ngập mặt luộc sôi. tắt bếp, xả nước lạnh và bóc vỏ đậu (nếu ngại bước này thì bỏ qua, nhưng sau khi hầm và xay đậu thì lọc qua rây để bỏ xác vỏ đậu). cho nhân đậu và nước vào nồi, hầm cho đậu chín nát nhừ, để nguội bớt rồi cho hỗn hợp đậu chín vào máy xay xay nát. đổ hỗn hợp ra âu, có thể thêm nước lạnh, đợi 1 lúc cho tinh bột đậu lắng xuống thì chắt phần nước trong bỏ đi. phần còn lại cho vào tấm vải cotton sạch, cột kín, treo lên cho nhỏ hết nước để thu về tinh bột đậu trắng. nếu vội các bạn có thể dùng tay siết cho nước chảy ra. (chú ý cách lọc tinh bột đậu này không áp dụng cho đậu xanh được). với 450g đậu tươi mình thu về được 410g tinh bột đậu trắng).
- Sơ chế mè: mè đen mua về, đãi sạch, để thật ráo, cho vào lò sấy ở nhiệt 160-170 độ C, 2 lửa, rãnh giữa đến khi mè tróc vỏ và thơm (tầm 20p) hoặc cho lên chảo rang. mè chín để nguội bớt, đem ra chà mạnh cho rời vỏ rồi cho ra mẹt xẩy hết vỏ. xay nhuyễn.
- Sơ chế khoai môn: Khoai môn chọn củ già, mua về gọt sạch vỏ, thái miếng dày tầm 1cm, ngâm nước lạnh cho ra bớt nhựa, sau đó rửa sạch, cho vào xửng hấp chín. khoai còn nóng, chà qua rây loại bỏ những phần khoai sượng. với 600g khoai tươi cả vỏ mình thu về được 400g thịt khoai.
- Cách sên nhân khoai môn: cho thịt khoai, thịt đậu trắng, đường và 25g dầu ăn lên chảo, bật bếp lửa tb nhỏ, sên đến khi nhân tương đối ráo thì cho mạch nha và màu tp vào miết cho màu tan đều (trong hình của mình miết chưa kỹ nên màu còn chưa tan hết), chú ý màu dạng paste lên khá chậm nên mn cho từng chút 1 thôi nhé. hòa 50g bột với 50g dầu ăn còn lại cho tan thành dạng sệt, đổ vào sên cùng nhân đến khi nhân ráo, không dính tay thì cho hương khoai môn vào đảo đều là được (mình sên trong khoảng 45-60p). (P/s: cập nhật sau 1 tháng để ngăn đông thì sau khi rã đông thì nhân bở và không còn mịn dẻo nữa, có lẽ phải thêm nước vào sên từ khi hỗn hợp lỏng hơn và sên kỹ hơn)
- Cách sên nhân mè đen: cho thịt đậu và mè xay nhuyễn lên chảo, dùng tay bóp hoặc phới dẹt miết cho 2 loại hòa quyện vào nhau (có thể cho vào máy xay, thêm 1 ít nước và xay nhuyễn), cho đường, 10g dầu ăn vào, bật lửa tb nhỏ sên đến khi nhân tương đối ráo thì cho mạch nha vào. trộn 20g dầu ăn còn lại với 15g bột cho tan rồi đổ vào sên cùng đến khi nhân không dính tay là đạt. thời gian sên tương đương nhân khoai môn. (P/s: cập nhật sau 1 tháng để ngăn đông thì sau khi rã đông nhân mè của mình vẫn mềm dẻo mịn như lúc mới sên)
- chú ý: nếu khi sên nhân các bạn thấy đặc khó sên (lúc đầu) thì cho thêm nước vào sên cùng nhé.

- Cách nấu nước đường bánh nướng ở đây
- Công thức vỏ bánh ở đây
- hỗn hợp phết mặt bánh: 1 lòng đỏ trứng gà hoặc vịt + 1tsp rượu mai quế lộ hoặc rượu trắng + 3 giọt mè đen + 1/4tsp mật ong. đánh tan, lọc qua rây.
- Nướng bánh: nhiệt độ thực tế trong lò 210-220 độ C, rãnh giữa, 2 lửa. nướng khoảng 5p 1 lần. lần 1, bánh tái lấy ra để nguội bớt, quét 1 lớp trứng mỏng lên, cho vào nướng 5p, lấy ra để nguội bớt. sau đó lặp lại 1 lần quét trứng và nướng nữa là bánh chín (bánh chín có màu đậm, hơi xém, đáy bánh màu vàng cánh gián đậm). lò nhà mình có lần dở chứng, nhiệt thấp, nướng bánh tận 5 lần mà vỏ cũng không ngon lắm. nướng nhiệt thấp vỏ bánh nhanh bị mềm dính ướt và bột bột.
- Nướng nhiệt cao và với ct vỏ bánh trên rất mềm và ngon. còn nhân nhuyễn tự làm thì có đặc điểm sẽ khô dần, và chỉ ngon trong 2 ngày đầu thôi. bảo quản ở nhiệt độ thường được 3-5 ngày tùy nhiệt độ thời tiết.

3 nhận xét

Unknown lúc 12:41 6 tháng 9, 2017

Bạn ơi mình có thể thay đậu trắng bằng đậu xanh với lượng tương đương không?

thanhbinh lúc 14:02 6 tháng 9, 2017

mình cũng chưa thay bao giờ, chắc được, nếu thay bạn thay bằng 100g đậu xanh không vỏ khô nhé.

Unknown lúc 23:10 13 tháng 9, 2017

Ôi cám ơn bn nhé <3

Đăng nhận xét