Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

Hồng khô 2018 - Chia sẻ kinh nghiệm phơi hồng


Năm ngoái mình cũng phơi hồng, 10kg hồng vuông đồng Đà Lạt, phơi được 2 ngày thì mưa, cho vào lò nướng sấy không được vì nhiệt cao quá, cuối cùng hỏng mất gần 1 nửa, còn lại thì vứt tủ lạnh, 1 mình xử hết, ăn cũng ngon lắm, kiểu như hồng 1 nắng ý, mát lạnh, ngọt lịm. Năm nay, mình cũng phơi hồng nữa, rút kinh nghiệm ban công nhà mình không có nắng trực tiếp nên mình chọn hồng trứng Đà lạt để phơi, vì đây là loại hồng nhỏ nhất, không hạt nên tỷ lệ thành công cao nhất. Bài này mình xin phép được chia sẻ kinh nghiệm sau 3 năm phơi hồng của mình, trong điều kiện ban công không có nắng trực tiếp và thời tiết tại miền Nam.
Mình ở trong này nên có các loại hồng Đà Lạt:
-          Hồng trứng: loại này mình thấy có 3 loại từ nhỏ đến to, loại nhỏ nhất, hình thuôn dài, như trái trứng, không hạt, có loại dòn, có loại mềm; loại thứ 2 to hơn 1 chút, đít hơi nhọn, có hạt; loại thứ 3, to nhất là hồng trứng lửa, có hạt, khi chín có màu cam đỏ, độ ngọt cao. (hồng trứng lửa phơi màu đẹp nhất, dẻo ngon nhất, nhưng có hạt).
-          Hồng chén: loại này có dạng tròn dẹt, hơi giống hồng chén trung quốc nhưng nhỏ hơn và tròn mình hơn, loại này khó mua hơn. (loại này mình chưa phơi nhưng nghe nói ngon nhất)
-          Hồng Tám Hải: to trái, có hạt, cạnh vuông. Hồng Vuông Đồng: nhỏ hơn Tám Hải, không có hạt, ăn khi mềm rất ngon. (hồng vuông đồng phơi sẽ rất dẻo ngon, ko hạt)
-          còn có một số giống khác ít hơn như hồng fuji, …

Các lưu ý khi phơi hồng: (áp dụng cho thời tiết của miền Nam)
-          xem dự báo thời tiết 10 ngày sắp tới kể từ ngày định phơi hồng, xem trước khi mua hồng. nếu trời nắng, gió, độ ẩm thấp thì mới nên phơi nha. trời mưa thì tuyệt đối không phơi. trừ khi bạn có lò sấy nhiệt thấp loại tốt. (đây là phơi ở miền nam VN nha, nơi khác mình không có kinh nghiệm gì)
-          Năm nay rộ lên việc phơi hồng, và bán túi lưới phơi hồng, tuy nhiên các loại túi quá dày sẽ làm bí hơi, phần tiếp xúc giữa hồng và không khí, ánh nắng quá ít, hồng rất dễ hỏng, mình không khuyến khích các bạn phơi bằng túi lưới nha.
-          hồng có cuống phơi sẽ dễ dàng hơn, tỷ lệ hỏng ít hơn do quả hồng không bị nghiêng 1 chút phần gần cuống so với kiểu buộc không có cuống hồng, tuy nhiên không có cuống vẫn hoàn toàn ok nhé.
-          hồng phơi bị chát: cái này là do hồng khi phơi còn xanh quá, các bạn bắt buộc phải phơi những trái hồng còn cứng mình và vỏ phải chuyển sang màu vàng cam rồi nha.
-          Có cần trụng rượu, nước sôi không? – không bắt buộc nha các bạn, tuy nhiên để đảm bảo hạn chế tỷ lệ hỏng tối thiểu tốt nhất là nên trụng qua rượu trắng nha. buộc hồng xong hãy trụng, trụng xong không cần lau khô nha (các bạn hay chỉ trụng rượu xong lau khô xong buộc, như vậy tay chạm vào nhiều quá nên mình làm ngược lại nha).
-          Nên phơi nắng trực tiếp hay là phơi chỗ râm mát? – có nắng trực tiếp là điều tuyệt vời nhất nha các bạn, có nhiều bạn cho rằng cái tên hồng treo gió là khô bằng gió, thực ra gió mà các bạn nói nó có nguyên lý tựa như máy sấy vậy, nhưng nhiệt thấp tầm 35-45 độ thôi, cái gió đó nó giống như quạt sưởi vậy đó. Nên không gì bằng phơi nắng nha, nắng tháng 11 cũng không có quá gắt nên các bạn yên tâm. Các loại hồng to hơn trái hồng trứng bắt buộc phải phơi nắng nha, không có nắng chắc chắn hỏng, trừ khi bạn dùng máy sấy, hay tủ sấy – dùng quạt sưởi. hồng có nắng sẽ ít thâm hơn, ít hỏng hơn, nhanh thu hoạch hơn và màu đẹp hơn. Các bạn xem clip trên youtube sẽ thấy người Nhật, hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc phơi trực tiếp dưới nắng, buổi tối cho vào trong nhà thì có lò than bên dưới nữa.
-          Mát xa cho hồng: phơi hồng 3-4 nắng, khi lớp vỏ bên ngoài se se và có độ dai thì bắt đầu mát xa cho hồng. đeo bao tay vào, mát xa nhẹ nhàng, mỗi qua tầm chục giây là ok, đừng mát xa kiểu nặn hồng như nặn cà chua nhé, vì như vậy phần thịt hồng còn tươi bên trong sẽ bị nhũn ra, hồng sẽ dễ bị hỏng. mát xa vừa đủ thôi, 1 mẻ hồng chỉ cần mat xa từ 2-4 lần, tuỳ vào kích cỡ trái hồng. như mình mấy hôm bận qúa mát xa dc mỗi một lần, lúc sấy cũng hơi quá thành ra có nhiều quả bị cứng. việc mát xa này giúp cho trái hồng mềm mại và ngon hơn.
-          Màu sắc và độ dẻo, ngọt của hồng thành phẩm: phụ thuộc vào giống hồng và độ chín của hồng khi đem phơi. độ ngọt của hồng khi tươi càng cao thì hồng thành phẩm càng dẻo, mềm, ngọt. phơi hồng càng xanh thì hồng thành phẩm càng tối màu, cứng và ít ngọt. ví dụ hồng trứng lửa sẽ cho hồng thành phẩm màu sáng đẹp hơn, mềm dẻo hơn, ngọt hơn hồng trứng bình thường. nếu sân/ban công nhà các bạn có nắng trực tiếp tốt cả ngày thì nên phơi hồng vuông đồng hoặc hồng chén sẽ rất ngon, vì hồng này trái lớn, khi thành phẩm sẽ dẻo, mềm, ngọt, lại không có hạt, màu sắc cũng đẹp nữa.
-          Lớp phấn trắng trên quả hồng: chỉ có ở những vùng lạnh, tức là sau khi hồng phơi đủ nắng sẽ cho vào ủ, và sau thời gian ủ thì bên ngoài trái hồng sẽ xuất hiện lớp phấn trắng này. ở VN gần như là không thể có lớp phấn này nhé các bạn, có chăng thì cũng cực kỳ ít thôi.
-    sau khi phơi và sấy xong thì chọn những quả hồng không bị chai cứng, cho hồng vào túi hoặc hộp kín, và cất ngăn mát tủ lạnh, 1 vài tuần sau, khi hồng mềm mại thì hãy ăn, như vậy ngon hơn rất nhiều.
-     Kết hợp giữa phơi và máy sấy ở nhiệt độ thấp (35-40 độ) giúp giảm tỷ lệ hồng hư hỏng.

Ban công nhà mình lọt thỏm giữa 2 tường 2 nhà hàng xóm, không có nắng trực tiếp, mình đi làm nên không thể phơi hồng ngoài cổng như năm nào đó. Do vậy, mình chọn hồng trứng để phơi. Ưu điểm: giá thành rẻ nhất trong các loại hồng, mình mua 200-250k/10kg. không có hạt, trái nhỏ nên với đặc điểm không có nắng của nhà mình vẫn phơi được.
- Đợt 1: 10kg hồng trứng, mình phơi 4 ngày ngoài ban công và sấy máy 24h ở nhiệt 40 độ C, - hỏng, ăn vụng khoảng 30-40  trái, thu về 1,9kg hồng thành phẩm.
- Đợt 2: 13kg hồng  trứng, phơi 3.5 ngày, sấy 1.5 ngày ở nhiệt 35-40 độ C, thu về gần 3kg hồng dẻo thành phẩm. có máy sấy thì tỷ lệ hồng hỏng sẽ giảm đi đáng kể, 13kg hồng mình chỉ bị hỏng có khoảng 20 quả thôi, hồng thành phẩm tuy màu hơi tối và xấu nhưng dẻo, mềm, ngọt vừa.
- Những quả mà còn xanh khi phơi thì thành phẩm màu sẽ đen hơn, cứng hơn, ít ngọt hơn so với những quả chín, quả càng chín (vẫn phải cứng mình và không bị dập) và to thì thành phẩm càng ngon nhưng tỷ lệ hỏng lại càng cao. trừ đi số hư và không ngon, tính ra tầm 300k ra được 1.5kg hồng dẻo ngon, quá rẻ phải không, nên năm sau các bạn hãy tranh thủ phơi đi nha. So sánh với hàng đi mua nha:
- Hồng dẻo vip nội địa Trung quốc, giá mua tại hà nội là 200k/kg: màu đẹp, tuy nhiên 1 kg chỉ được khoảng chục quả ngon, còn lại là chát, cứng, ít ngọt.
- hồng treo gió đà lạt: giá mua năm 2016 là 450k/kg, màu tối, khoảng 50% ngon, 50% là bị cứng, ko ngon.
- Hồng sấy nguyên trái và miếng chẻ Đà Lạt: giá tầm 180-220k/kg, màu đẹp, tuy nhiên ăn siêu dở, cứng, còn mùi than, ko ngon 1 chút nào.
Lúc mua về - đây là hồng trứng Đà lạt

rửa sạch (hồng chín hơn 1 chút phơi sẽ ngon hơn)

để ráo, cả túi 10kg dập đúng 1 quả


thành quả sau phơi 3.5 ngày + sấy máy 1.5 ngày




bên trong

đây là hình sau khi để tủ lạnh tầm 1 tháng

5 kg hồng khô còn đúng 1kg
rất mềm và ngon


đây là hình ảnh hồng vip trung quốc đây, nhìn mềm ngon thế mà ăn còn chát, ko dẻo lắm, chẳng ngọt mấy, mà để 1 ngày bên ngoài là lên mốc, chứng tỏ cũng ko có chất bảo quản gì

3 nhận xét

Unknown lúc 14:33 23 tháng 1, 2019

Nhìn ngon quá, sấy lên thì ngon hơn với giá máy sấy thực phẩm

Unknown lúc 14:34 23 tháng 1, 2019

Có thể bạn quan tâm máy hàn miệng túi dập tay

Unknown lúc 20:12 31 tháng 8, 2020

Bạn chia sẻ thật chi tiết. Cảm ơn bạn rất nhiều.

Đăng nhận xét