Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Chè bánh lọt đậu xanh


Bánh lọt - là một mảnh ghép không thể thiếu trong các món tráng miệng ngọt của miền Nam cũng như các nước đông nam á. Bánh lọt có nhiều công thức và cách làm khác nhau. có công thức từ bột củ năng, có công thức từ tinh bột đậu xanh, có công thức từ nhiều bột gạo, ít bột năng, có công thức nhiều bột năng hơn .... có công thức từ gạo ngâm xay.... cách làm truyền thống nhất có lẽ là ngâm gạo với nước tro sau đó xay lọc làm bánh, tuy nhiên cách này phức tạp hơn và thích hợp với làm số lượng lớn. còn những người làm năm ba ly như chúng mình thì không phù hợp. mình đã từng rất ghê miệng khi ăn con lọt trong chè. nhưng cũng có khi ăn được hàng làm ngon mới thấy con bánh lọt thơm thơm, mềm mát ăn rất ngon.
Mình thích con lọt làm theo ct nhiều bột gạo, con lọt mềm mượt và mát. mình đã làm rất nhiều lần, và vì suy nghĩ cứ hồ bột rồi ép ra nên hỏng rất rất nhiều, đến mức 2 cái khuôn ép bỏ xó thanh lý hết, giờ làm lại phải đi lấy cái ly nhựa đục lỗ dùng tạm, cái ly này thích hợp với nhà làm ăn nấu ít bột thôi, chứ làm nhiều phải có cái đồ ép chuyên dụng mới nhanh. bánh lọt mình xem trên youtube thì bột rất lỏng, tỷ lệ bột và nước là 1:6-8, khi đổ bánh không cần ép gì cả con lọt sẽ tự rơi xuống, tuy nhiên mình làm theo tỷ lệ này toàn hỏng, con lọt quá mềm. mình cũng thử làm bánh lọt theo ct hồ bột gạo + nước thành dạng sệt rồi cho bột năng vào nhồi thành khối, sau đó se bột dạng con tằm và luộc lên, cái này nó ko phải là bánh lọt, mặc dù hình thức đẹp, cách làm đơn giản, tuy nhiên rất nhanh bị lại bột và cứng. mình cũng làm ct bột năng: bột gạo 40-60 hoặc 50-50, hồ bột gần chín rồi ép bột vào nồi nước nóng cho bánh lọt chín, cách này thì con lọt ăn cũng được nhưng nếu bảo quản tủ lạnh thì hôm sau nó sẽ dính vào nhau, cho nước vào nó vẫn dính. cuối cùng, công thức nhiều bột gạo, ít bột năng, cách làm hồ bột chín và ép vào âu nước lạnh là khả quan nhất. đây không phải là ct cho ra con bánh lọt hoàn hảo, tuy nhiên trong nguồn nguyên liệu hạn hẹp, quỹ thời gian ít ỏi, mình cảm thấy nó là ct mà mình làm thành công nhất. hy vọng giúp các bạn có thêm 1 nguồn tham khảo trong công cuộc đi tìm công thức bánh lọt hợp khẩu vị nhất. bởi mình biết có rất rất nhiều bạn cũng làm hỏng như mình.
Dùng bột gạo lọc thì bánh ăn sẽ ngon hơn

lấy cái tuốc lô vít hơ trên lửa bếp ga đục lỗ



nấu đến khi bột chín trong như thế này là đạt

con lọt thành phẩm




con lọt rất mềm và mát


Đây là nước lá dứa nấu nước chan chè (cho lá dứa vào luộc để lấy nước thơm)
đây là bánh lọt mình đi mua, màu xanh rất đep, bánh mềm nhưng khi đứt thì có độ giòn, chứ ko mềm nhão dẻo, có mùi giống bánh đúc, bánh tro (tức là có nước tro và vôi), nhìn tự làm và mua khác hẳn nhau các bạn ha

Công thức: (khoảng 10 ly chè)
- Bánh lọt: 110g bột gạo lọc + 10g bột năng + 240g nước vôi trong, 240g nước lá dứa xay (dùng khoảng 40g lá dứa xay với 300g nước lọc lấy 240g nước lá dứa).
- lấy 20g vôi ăn trầu hòa tan vào 1 lít nước để lắng qua đêm gạn lấy nước trong.
- bột gạo + bột năng cho vào âu, đổ từ từ nước vôi trong và nước lá dứa vào dùng tay bóp đều, cho thêm 1g muối + 5g đường khuấy đều, để yên cho bột nở trong 30-60p.
- sau khi để bột nở, khuấy đều, lọc qua rây, cho vào nồi khuấy liên tục trên lửa nhỏ đến khi bột đặc lại, chú ý không được để bột bị ốc trâu sẽ không ngon, khuấy cho bột chín đều từ từ, cuối cùng sôi lên (kiểu nổ bong bóng phồng lên dưới đáy nồi), khuấy liên tục đến khi thấy bột trong, ăn thử thấy bột chín thì tắt bếp.
- chuẩn bị 1 âu nước đá, cho bột vào đồ ép bánh, dùng phới dẹt nhấn nhẹ nhàng cho bột rơi xuống. (ct này bột khá đặc nên phải ấn thì nó mới rơi xuống, các bạn làm nhanh tay khi bột nóng để con lọt đẹp nha).
- Bảo quản bánh lọt: nếu nấu bánh lọt xong ăn ngay thì cứ để bánh trong âu nước đá rồi lấy muỗng thủng vớt vào ly chè là được. tuy nhiên nếu để ăn sau thì vớt hết con lọt ra hộp, ko cho nước hay đá gì, đậy kín, để ngăn mát tủ lạnh được 2 ngày. khi ăn rót xíu nước lọc vào là các con lọt rời nhau ra.
- Đậu xanh nhuyễn: 100g đậu xanh không vỏ + 1 ống vani + 2g muối + 50g đường. đậu xanh ngâm nở, đãi sạch, cho vào nồi áp suất, đồ nước xâm xấp, nấu chín, lấy đậu ra xay cùng với đường và thêm xíu nước nếu cần, xay đặc như lúc làm nhân bánh trung thu, xay xong lọc qua rây, cho vào nồi, cho muối và vani vào khuấy đều, nấu sôi, vừa nấu vừa khuấy. nấu xong đổ ra âu, che mặt âu bằng khăn dày để đậu ko bị khô mặt. để nguội, bảo quản ngăn mát được 1 tuần.
- Hạt chia: 10g hạt chia + 100g nước lọc, khuấy đều, để nở, cất ngăn mát tủ lạnh.
- Nước chan: 200g sữa tươi ko đường + 350g nước lá dứa + 550g nước cốt dừa + 1-2g muối + 100-120g đường. cho sữa tươi + nước lá dứa vào nồi, đun sôi ở lửa nhỏ vài phút, cho muối và đường vào khuấy đều, giảm lửa nhỏ nhất, đổ nước cốt dừa vào khuấy đều 1 lúc thì tắt bếp. nước chan nấu xong để nguội, bảo quản ngăn mát tủ lạnh được 5 ngày.
- Trân châu củ năng: 200g củ năng đã gọt vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu, trộn xíu nước ép củ dền + 1 thìa đường đem sên 1p cho nóng, bỏ ra áo từng ít bột năng vào, áo xong để yên vài phút lại áo tiếp, làm khoảng 3 lần, sau đó luộc chín, vớt ra âu nước lạnh. rồi vớt vào 1 cái bát sạch.
- Hạt đác: chọn loại đác nhỏ ngon hơn đác to, đác lúc mua về ngửi ko thấy mùi ngâm chỉ có mùi hơi khét của đác là ngon, đác lúc mua về thấy mềm thì khi rim nên sẽ dẻo vừa, còn mua về mà thấy hạt chắc dẻo thì khi rim sẽ bị cứng. đác mua về rửa sạch, luộc 1-2p, để ráo, ướp 20-25% đường (1kg đác dùng 200-250g đường, nếu trong siro tạo vị cho đác có đường thì dùng 200g, nếu dùng nước ép tươi thì dùng 250g) trong 1-2h, đem sên (lúc này cho thêm nước hoa bụp giấm, nước dâu tằm, dâu tây, chanh dây, dứa ép vào sên đến khi cạn nước, hạt đác trong là được, lúc mới sên ăn sẽ rất mềm nhưng để ngăn mát tủ lạnh xong ăn sẽ dẻo ngon. đác ăn chè thì rim thơm mình thấy hợp nhất, trong hình của mình là đác rim chanh dây ăn mình thấy ko hợp lắm.
- ăn kèm ít mít thái sợi cũng rất hợp.

Đăng nhận xét